5 HIỂU LẦM PHỔ BIẾN TRONG BÀI THI IELTS (P1)
Bài thi IELTS (International English Language Testing System) đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1994, tuy nhiên đến nay vẫn có rất nhiều hiểu lầm phổ biến với bài thi làm nhiều sĩ tử hoang mang.
Hãy cùng YSchool điểm qua 5 hiểu lầm phổ biến về bài thi cũng như phần đính chính thông tin cho những hiểu lầm này nhé.
Hiểu lầm 1: Bài thi trên máy tính “khó” hơn thi trên giấy
Đây là một hiểu lầm phổ biến đa phần ở những bạn chưa tham gia bài thi trên máy và được nghe report về việc đề thi trên máy hay có những đề “dị”. Tuy nhiên trên thực tế, đề thi ở cả 2 hình thức đều được lấy từ chung một test bank, vì vậy không có chuyện đề thi trên máy khó hơn. Một trong những điểm khác biệt lớn nhất giữa 2 hình thức chỉ là việc đề trên máy sẽ được giao random (mỗi người trong phòng thi một đề riêng), còn đề thi trên giấy sẽ chung cho cả phòng trong cùng một ngày thi.
Ngoài ra, một điểm mọi người cần lưu ý là không phải đề bài “dị” nào cũng là đề thi thật nhé. Ví dụ như đề thi Writing Task 1 “móng ngựa” thực tế được lấy ra từ cuốn IELTS Practice Test Plus 1 của Pearson, còn đề “bộ xương” thực chất là một đề luyện tập từ các sách của Trung Quốc.
Hiểu lầm 2: Thi vào cuối năm dễ hơn các thời điểm khác.
Hiểu lầm này rất phổ biến vào thời điểm trước 2019, khi kỳ thi trên máy chưa xuất hiện. Lúc đó có rất nhiều “đồn đoán” về việc đề thi ở những thời điểm khác nhau trong năm sẽ khó hoặc dễ hơn bình thường do Hội đồng thi sẽ chọn lọc cho việc tuyển sinh hoặc định cư nước ngoài. Dĩ nhiên điều này hoàn toàn không có căn cứ mà chỉ là ý kiến của một số người.
Với một bài thi chuẩn hóa mang tính quốc tế như IELTS, tính hợp lệ (validity), công bằng (fairness), và đáng tin cậy (reliability) là 3 yếu tố tiên quyết. Vì vậy khó có thể có chuyện bản thân bên ra đề điều chỉnh độ khó theo “mùa cuối năm” như hiểu lầm trên vì sẽ ảnh hưởng đến cả 3 yếu tố này và đến chính bài thi.
Ngoài ra, việc một đề bài khó hay dễ đôi khi sẽ mang yếu tố cảm nhận chủ quan nhiều – vài người sẽ thấy dễ nhưng những người khác sẽ thấy khó. Vậy nên các bạn đừng quá quan trọng việc thi vào đầu hay cuối năm nhé. Quan trọng là kế hoạch học tập và sự sẵn sàng của bản thân các bạn.
Hiểu lầm 3: Ngày thi có cả General Training và Academic sẽ có đề dễ hơn những ngày khác.
Tương tự như hiểu lầm trên, hiểu lầm số 3 này cũng rất phổ biến với các kỳ thi giấy, đặc biệt trước 2019. Lý do nhiều người đưa ra là vì đề thi General Training thường “dễ” hơn Academic và thí sinh ở 2 module này thi chung phần Listening, nên ít nhất là đề Listening sẽ dễ hơn.
Quan điểm này đến từ sự thiếu hiểu biết về bài thi. Trên thực tế sự khác biệt ở 2 module này sẽ là như sau:
- Mục đích: cả 2 module đều đánh giá năng lực sử dụng ngôn ngữ, chỉ khác nhau ở ngữ cảnh: General thiên về công việc và yếu tố xã hội còn Academic thiên về việc chuẩn bị cho việc học đại học.
- Listening và Speaking: chung đề.
- Reading: Đề thi General Training đơn giản hơn về nội dung, nhưng nhiều bài hơn (5 bài chia làm 3 Sections, so với 3 bài bên Academic). Tuy nhiên điểm ở bài thi General chấm khó hơn (VD bạn chỉ cần 24/40 câu để đạt 6.0 bên Academic, nhưng bên General cần 30/40).
- Writing: Đề thi Task 2 gần giống nhau, nhưng Task 1 của General yêu cầu viết thư theo tình huống cho trước. Theo cá nhân người viết bài này thì phần viết thư thực tế khó hơn so với việc miêu tả biểu đồ. Lý do là vì tình huống trong đề bài đôi khi khá xa lạ với thí sinh, đồng thời thí sinh cần linh hoạt về tone khi viết tùy theo người nhận thư (VD: thư informal thì viết giống như văn nói, nhưng semi-formal và formal thì lại khác).
Như vậy, có thể thấy rằng thực tế đề thi General không hề dễ hơn Academic như mọi người thường nói, nên không có bất kỳ một căn cứ nào để kết luận ngày thi trên giấy có cả 2 module sẽ dễ hơn những ngày còn lại.
Hiểu lầm 4: IELTS là một bài thi đánh giá năng lực “học thuật”
Theo trang chủ của British Council và Cambridge, bài thi IELTS được định nghĩa là một bài thi đánh giá năng lực sử dụng ngôn ngữ cho mục đích giáo dục và định cư toàn cầu. Vì vậy, mục tiêu chính của bài thi là đánh giá khả năng sử dụng ngôn ngữ trong các hoàn cảnh khác nhau, không đánh giá kiến thức chuyên ngành hay học thuật của thí sinh.
Ngoài ra, bài thi được dành cho đối tượng rất rộng (từ 16 tuổi trở lên và không phân biệt ngành nghề), chính vì vậy bài thi sẽ không thể nào đòi hỏi kiến thức học thuật để đảm bảo được sự công bằng cho tất cả thí sinh tham gia.
Hiểu lầm 5: Có thể quy đổi điểm giữa IELTS và điểm thi trên trường hoặc các bài thi tiếng Anh khác (TOEIC, TOEFL, …)
Một hiểu lầm phổ biến nữa đến từ nhiều thí sinh hoặc phụ huynh là có thể quy đổi chéo điểm giữa các bài thi khác nhau (VD: giữa IELTS và TOEIC, giữa IELTS và điểm thi trên trường). Điều này hoàn toàn không đúng vì các tiêu chí chấm điểm và mục đích của các bài test này không giống nhau.
Ví dụ, bài thi TOEIC được thiết kế để hướng tới đối tượng là sinh viên và người đi làm, hoặc cụ thể hơn là dân văn phòng, trong khi IELTS Academic hướng tới đối tượng chuẩn bị tham gia vào môi trường học tập bằng tiếng Anh. Chính vì vậy việc quy đổi điểm, dù dựa theo khung CEFR, cũng chỉ mang tính tương đối. Thí sinh cần xác định rõ mục đích của bản thân để lựa chọn bài thi phù hợp.
Qua bài viết này, YSchool đã liệt kê 5 hiểu lầm phổ biến đối với bài thi IELTS. Rất mong những lưu ý này sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn chính xác hơn về bài thi, từ đó gỡ bỏ được những vướng mắc về tâm lý và có kết hoạch tốt hơn cho việc học của bản thân.
Tham khảo thêm bài mẫu Writing – Speaking trong tháng 3 tại: https://bit.ly/actualtests0323
Luyện tập KHÔNG GIỚI HẠN tại: hocielts.yschool.edu.vn
Tham khảo khóa học tại đây.